Thông điệp hôm nay (Chủ nhật, 06/10/2024)

Trang nhật kí viết về mẹ

Mấy chục năm sau, ngồi nhớ lại thời thơ ấu, mẹ tôi mới rùng mình vì những lần suýt mất mạng. Tôi bị cái bệnh hay mưa trong lòng, mỗi lần ngồi nghe mẹ kể lại chuyện thuở mẹ còn thơ, tôi cười ngặt nghẽo nhưng thực lòng đã ngập đến cổ, cái gì không biết nhưng thấy nghèn nghẹn và khó thở. Mười mấy năm đầu đời theo bà ra ruộng, đến giờ mẹ tôi mới thừa nhận rằng mẹ rất sợ con đỉa, rất sợ. "Nhưng không làm thì chết đói con ạ". Tôi không hiểu tại sao mẹ vẫn cười được.

bình luận
Hôm nay trời đổi gió, nắng là là một màu cũ kĩ, thứ thời tiết dễ sinh bệnh. Mẹ đi làm về, ngửa đầu tựa lên thành ghế, tôi thấy trong lòng bàn tay mẹ có một vài dòng toàn chữ số. Tôi biết mẹ có trí nhớ siêu phàm, chưa bao giờ phải ghi ra tay những thứ cần phải nhớ vội, thế mà từ khi nào, mẹ đã phải dùng tới thói quen kia???

Mẹ mở Ti vi rất lớn, như mọi ngày tôi lại càu nhàu mẹ cho nhỏ tiếng đi, một lần, rồi hai, lần thứ ba tôi gần như gắt lên, mẹ vẫn không phản ứng gì cả. Tôi lại gần nói vào tai mẹ, mẹ ngơ ngác quay sang "Hả, ừ ừ, nãy giờ không nghe thấy". Là MẸ KHÔNG NGHE THẤY?

Sực tỉnh, sợ hãi, chân tôi như nhũn hết ra. . .

Mẹ sắp 50 tuổi rồi, vậy mà có ngày nào mẹ thảnh thơi chưa nhỉ? Tôi chỉ thấy mẹ đi hết con đường này đến con đường khác, mệt quá thì nằm nghỉ, rồi lại đi, chưa thấy mẹ giành ra một ngày, hay một giờ nào đó thôi, để đi mua sắm những gì mình thích, hay đi chăm sóc sức khỏe. Mẹ thường bảo tôi nắn chân cho mẹ, thế là nghỉ ngơi. Mẹ tôi có đôi mắt nâu và buồn như từ ngày xưa trở lại. Người ta bảo mắt mẹ tôi nhiều nước, có cười tươi đến mấy thì đôi mắt ấy vẫn không chịu nghe theo, vẫn cứ buồn đến dài dặc cả đường chân trời. Mẹ tôi hay cười, vậy nỗi buồn, cất hết vào trong mắt, nên lúc nào cũng chực rơi ra ngoài. Từ ngày xưa trở lại, từ ngày xa vọng về, mẹ đi một bước thì có hai vết xước. Tôi không rõ trên đời có bao nhiêu người phụ nữ khổ, nhưng chừng ấy năm tháng, tôi đứng đằng sau nét mặt tươi cười hiền hậu, biết rằng, mẹ là người phụ nữ đáng thương nhất trong cuộc đời tôi. Từ ngày xưa trở lại, từ ngày xa vọng về . . .

Mấy chục năm sau, ngồi nhớ lại thời thơ ấu, mẹ tôi mới rùng mình vì những lần suýt mất mạng. Tôi bị cái bệnh hay mưa trong lòng, mỗi lần ngồi nghe mẹ kể lại chuyện thuở mẹ còn thơ, tôi cười ngặt nghẽo nhưng thực lòng đã ngập đến cổ, cái gì không biết nhưng thấy nghèn nghẹn và khó thở. Mười mấy năm đầu đời theo bà ra ruộng, đến giờ mẹ tôi mới thừa nhận rằng mẹ rất sợ con đỉa, rất sợ. "Nhưng không làm thì chết đói con ạ". Tôi không hiểu tại sao mẹ vẫn cười được.

Mẹ tôi cười ngay cả khi đang rơi nước mắt. Những nỗi đau ngay từ khi còn nhỏ, không hiểu bằng cách nào, mẹ giấu đi được hết, lúc nào cũng lạc quan, nhìn đời bằng con mắt tĩnh thủy nhưng ko nhòe đi một li nào cả. Mẹ tự tô cho dòng thời gian của mình đủ thứ màu. Đó là màu xanh của những cánh đồng, màu vàng của mặt trời ở đằng đông, màu trắng của phấn viết, của áo học trò, màu hồng trên gò má chị tôi, màu đỏ của những giấy khen chúng tôi nhận được, . .. màu nào cũng vui, duy có màu đen, mẹ cho rằng đó là màu đêm khi ngủ thôi, nên không tính. Tôi đã từng có những khoảng thời gian màu xám, nhưng rồi tôi thấy mình vô lý, cuộc sống của tôi so với cuộc đời của mẹ, quá khập khiễng cho một phép tính lớn hơn nhỏ hơn những buồn phiền đau khổ, vì cớ gì tôi lại như vậy. Từ ngày ấy, tôi cười bằng nụ cười của mẹ. . .

Tôi nhận ra rằng những đứa con không bao giờ yêu mẹ đủ được như lời chúng nói. Và càng thảm hại hơn, tôi nhận ra mình là một đứa tồi tệ. Mẹ tôi đã đi được nửa đường đời, mỗi ngày lại xa tôi thêm một chút, chỉ một chút đến nỗi dường như vô hình, nhưng mười, hai mươi năm, tôi đã thấy nó hiện hình rõ ràng ra đấy. Tôi rất sợ quay đầu nhìn lại những gì đã qua, nhưng hôm nay, bão lòng trong tôi đã tràn ra ngoài, khi tôi thấy những gì mình đã làm, và đã không làm. . .

Mỗi buổi sáng mẹ dậy sớm để tôi được ăn cơm mẹ nấu trước khi đi học, bữa sáng có cả tình yêu của mẹ, vậy mà tôi vẫn bỏ dở bát cơm khi dậy muộn, vẫn thỉnh thoảng làm cháy hay khê mặn bữa tối cuối ngày giành cho mẹ. Mẹ nếu ăn cơm nguội thì sẽ bị nghẹn, nhưng tôi vẫn thường xuyên xao nhãng khi nấu, để rồi mẹ vừa ăn vừa uống nước. Mẹ có thói quen từ những ngày nghèo khổ xưa kia, luôn chọn cho tôi phần ngon nhất trên con cá, bỏ xương cẩn thận, vậy mà tôi không nhớ nổi tôi đã gắp thức ăn vào bát cho mẹ lần nào chưa. 

Mỗi lần xa nhà, mẹ luôn là người gọi về cho tôi trước, trở về, tôi đã không biết mẹ mệt như thế nào, vẫn cười khì khì khi mẹ đặt vào tay bát cơm và nói "vắng mẹ có mấy ngày mà sắp chết đói rồi con ơi". Mẹ vẫn canh cả đêm khi tôi ốm, xoa dọc sống lưng và áp má vào trán tôi. Mẹ ốm, bóp trán cho mẹ, tôi thấy mồ hôi mẹ rịn ra hai bên thái dương ngay cả trong mùa đông, nhưng mẹ kêu tôi ra ngoài cho mẹ ngủ, tôi cũng tin và đi ra ngoài.

Tôi chỉ biết cằn nhằn khi mẹ bỏ quả táo ra khỏi tủ lạnh vào một ngày oi bức, tôi sợ chúng bị hỏng mà không hề để ý rằng mẹ không ăn lạnh được. Tôi đã không ngẩng đầu lên khi mẹ đưa cho cốc nước mỗi tối khi tôi làm bài tập. Chỉ có một lần ngoảnh lại thấy ánh mắt đầy yêu thương kì vọng, tôi chờ mẹ ra ngoài, không hiểu vì sao trang vở mờ hết chữ. Đã hơn một lần tôi gắt lên, cãi lại khi mẹ hiểu lầm, không giải thích và bỏ đi. Tôi đã không nghĩ rằng cả đêm đó mẹ không ngủ được, buồn vì "Tại sao không để cho mẹ hiểu con". . . 

Dạo gần đây mẹ luôn mở Ti vi rất lớn, tôi khó chịu và tự hỏi tại sao mẹ lại thích ồn ào như vậy. Phải đến hôm nay tôi mới nhận ra, những thứ tôi thấy rõ ràng, thì mẹ đã không còn thấy rõ. Tôi chỉ biết đặt ra câu hỏi, mà không biết rằng nếu để tâm một chút thì tất cả những câu hỏi đó phải được trả lời bởi một người con. Tôi luôn đòi hỏi mẹ phải hiểu tôi, nhưng tôi đã hiểu mẹ được mấy phần hay là không gì cả. Tôi là một đứa con hư, dù mẹ luôn ở trong tâm trí, trong trái tim tôi, tràn ngập cả tâm hồn, đến mức tới bây giờ tôi vẫn không thể cho ai bước chân vào nơi đã giành cho mẹ. 

Mẹ rất hay mắng tôi, nhưng một lần mẹ nói "Mẹ mệt quá rồi không có sức mắng con nữa đâu", tôi mới biết không phải nghe những lời chê trách mới chính là nỗi đau. Chỉ có mẹ có thể làm tôi khóc, nhưng trước mặt mẹ tôi thậm chí không dám trùng khóe mắt. 

Có một lần từ rất lâu, tôi khóc trước mặt mẹ, và mẹ đã không ngại ngần tấn công người làm tôi đau, dù có bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Mẹ sống nhân hậu, vị tha và nhẫn nhịn, nhưng vì tôi, mẹ có thể thay đổi con người trong phút chốc. 

Và hôm nay, tôi cũng lại chạy nhanh hết mức, dù mẹ gọi sau lưng, để mẹ không thấy được phút tôi yếu lòng. Tôi thấy hận bản thân mình, tôi thấy mình là lý do rút ngắn hạnh phúc hiếm hoi của mẹ, tôi muốn đâm nát cái sự vô tâm đáng chết. Tôi lại nghĩ đến những lời của mẹ "Đừng làm sao con nhé, mẹ chỉ sống vì con thôi". Mẹ sống vì tôi, còn tôi, sống vì mẹ được bao nhiêu phần. Phải đọc "HÃY CHĂM SÓC MẸ" mới biết mẹ tôi cần chăm sóc, phải nhìn thấy mẹ dụi đầu vào lòng bà ngoại mới biết mẹ tôi cũng luôn cần có mẹ, phải hét lên thì mới biết mẹ đã không còn nghe rõ. Tôi học hành hay thành công để mà làm gì khi tôi còn chưa tốt nghiệp mẫu giáo lớp học YÊU MẸ. Bão tố trong lòng xin hãy cuốn đi những lỗi lầm, những vô tâm mà trước nay tôi đã đồng hành, để tôi có thể yêu mẹ, như mẹ đã yêu tôi. . .

Rồi sẽ đến một ngày mẹ nhờ bạn xâu kim, rồi nhờ bạn đọc cho một tờ báo, đừng cắm đầu làm cho xong lần, hãy ngẩng lên, nhìn người mẹ của mình. Ánh mắt mẹ, ôm lấy bạn, nhưng trong đó, là nỗi niềm tâm sự giản đơn, mẹ cần chăm sóc. HÃY YÊU THƯƠNG KHI CÒN CÓ THỂ!!!

Back to Top